Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

SÁU BƯỚC ỦY QUYỀN HIỆU QUẢ



BƯỚC 1: Chuẩn bị kỹ trước khi giao việc
BƯỚC 2: Xác định cụ thể yêu cầu công việc, yêu cầu người ủy thác lập lại những yêu cầu công việc để đảm bảo rằng anh / chị ấy hiểu rõ công việc được giao
BƯỚC 3: Xác định rõ thời hạn hoàn thành công việc
BƯỚC 4: Định rõ mức độ và phạm vi thẩm quyền mà người được ủy thác có thể sử dụng hoàn thành công việc.
1. Quyền đề nghị
2. Quyền thông báo và khởi sướng
3. Quyền hành động
BƯỚC 5: Xác định các mốc thời gian để kiểm tra, đối chiếu nhằm đánh gíá tiến độ công việc và thực hiện hướng dẫn nếu cần thiết. Vào giai đoạn đầu nên thường xuyên kiểm tra và đối chiếu, sau đó giảm dần mức độ khi người được ủy thác công việc chứng tỏ đã hoàn toàn nắm được công việc.
BƯỚC 6: Tiến hành tổng kết công việc để trao đổi về những thành quả, thiếu sót cần cải thiện và rút ra bài học nếu có

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Ban cho luôn luôn có phước hơn nhận lãnh!

Bài học của cậu bé 9 tuổi người Nhật



Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mì gói.
Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.

Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Cậu bé quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Ve sầu và kiến


Thầy tôi rất đặc biệt, thầy luôn có những cái nhìn rất thú vị về cuộc sống.

Ví dụ: Đối với những học sinh xuất sắc, thầy nói rằng: “Học kỳ này em đứng nhất lớp, hãy tự hào nhưng đừng tự mãn, hãy cố gắng để kỳ sau tiếp tục nhất lớp. Nếu học kỳ tới vẫn tiếp tục nhất lớp, hãy tiếp tục cố gắng để đạt thủ khoa kì thi đại học. Nếu đạt được thủ khoa đại học, hãy cố gắng để trở thành người giỏi nhất trong công việc mà em làm”.


Với những học sinh yếu kém thì khác, thầy có cách nói như ngược lại - vô lo, vô nghĩ: “Học kì này điểm thấp, không nên quá lo sợ, em vẫn còn học kỳ sau. Nếu học kỳ sau vẫn không tốt, cũng đừng quá buồn lo, thi vào đại học em không hẳn sẽ thi trượt. Nếu có thi hỏng đại học cũng không có gì đáng xấu hổ, bởi còn có các trường đại học của xã hội, thành tài không chỉ có duy nhất ở con đường học tập”.


Một lần, thầy kể câu chuyện ngụ ngôn về ve sầu và kiến....


---------------------
Mùa thu đến đàn kiến vất vả từ sáng đến tối để kiếm thức ăn chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, chúng tha từng hạt, từng hạt, nào là thóc, hạt dẻ, lá cây... đủ mọi thứ thức ăn mà chúng gặp phải trên đường hành quân. Những chú ve sầu trong rừng thì suốt ngày ca hát, vang lên những âm thanh trong trẻo tuyệt vời cho mùa hạ thêm vàng. Hạ tàn, thu qua, đông đến gần. Bầy kiến ở trong tổ yên vị nhấm nháp những thức ăn mà bầy của chúng chăm lo cần mẫn tìm được. Còn những chú ve lúc này đã không còn tìm được thức ăn, đành chịu giá rét mà tan đi cùng tự nhiên.
---------------------


Thầy hỏi: “Các em nên học theo cách sống của kiến hay của ve?"


Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Kiến”.


Thầy vui vẻ gật đầu nói: “Đúng! Chúng ta nên học tập từ kiến, cần cù làm việc tự mình tạo ra cuộc sống no đủ, hạnh phúc bằng chính đôi tay của mình, đừng theo cách sống của ve sầu chỉ biết vui chơi mà không lo cho cuộc sống tương lai”.


Một lần cùng chúng tôi thăm một người bạn sắp qua đời, thầy cũng kể lại câu chuyện ấy, và cũng cùng một câu hỏi này. Người bạn cũng trả lời là "kiến". Thế nhưng câu trả lời của thầy lại khác: "Cuộc đời ve sầu tuy ngắn ngủi, chỉ vài tháng nhưng mang lại một vẻ đẹp thanh thoát cho mùa hạ, một không gian rộn rã cho mùa thu. Một cuộc đời nhiều ý nghĩa và giúp ích cho cuộc sống. Còn loài kiến chẳng qua chỉ bon chen với cuộc đời, tranh giành, lượm lặt, kiếm đủ số cho bản thân, mang lại hạnh phúc cho bản thân. Nó chỉ mang ý nghĩa tồn tại, hoàn toàn đánh mất chữ sống. Sống ngắn nhưng có ý nghĩa cuộc sống, vẫn hơn sống dài mà vô vị, vô nghĩa."


Cuộc sống có muôn màu muôn vẻ, cách bạn nhìn đời sẽ khiến bạn sống với đời ra sao. Thế nhân có câu: "Cái tâm của bạn ở đâu, sự giàu có của bạn ở đó". Nếu bạn để tâm vào những hạt dẻ, hạt thóc,... để tích trữ cho thật nhiều vào kho, bạn sẽ giàu có về lương thực. Nếu cái tâm của bạn ở vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ, bạn sẽ rất giàu có với những hạnh phúc tươi đẹp trong tâm hồn mình. Nếu bạn để tâm vào những gì mình cho đi, bạn sẽ giàu có về lòng nhân ái và sự sẻ chia cuộc sống.

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010